Thứ Tư, 3 tháng 4, 2013

quy định về xóa tên trong hộ khẩu

Quy định về xóa tên trong hộ khẩu

Theo Luật Cư trú năm 2006, ngoài cắt chuyển hộ khẩu, trường hợp bị xóa đăng ký thường trú gồm: chết, bị tòa án tuyên bố là mất tích hoặc đã chết, ra nước ngoài để định cư.
> Đăng ký hộ khẩu cho người bị bắt cóc trở về?

Như vậy, theo quy định của pháp luật hiện hành về cư trú, không có quy định về việc một cá nhân vắng mặt tại nơi cư trú trong thời gian bao lâu sẽ bị xóa đăng ký thường trú.

Con gái chị đi khỏi nơi cư trú từ năm 1991. Tại thời điểm này chưa có Luật cư trú và các vấn đề về hộ khẩu được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 04/HĐBT ngày 7/1/1988 và Nghị định số 51/CP ngày 10/5/1997. Theo các văn bản đó, người nào vắng quá 6 tháng không có lý do rõ ràng thì cơ quan đăng ký hộ khẩu nơi thường trú xóa tên trong sổ hộ khẩu. Khi người ấy trở về sẽ xét đăng ký hộ khẩu trở lại.

Ngoài ra, người từ 15 tuổi trở lên có việc riêng phải vắng mặt qua đêm khỏi nơi đang thường trú của mình phải khai báo tạm vắng. Người đi vắng khỏi nơi đã đăng ký hộ khẩu thường trú quá 6 tháng mà không khai báo tạm vắng, không có lý do chính đáng sẽ bị xóa tên trong sổ hộ khẩu; khi trở lại phải khai xin đăng ký lại hộ khẩu thường trú.

Như vậy, việc con gái chị không có mặt tại nơi cư trú trong thời gian 10 năm và bị cơ quan có thẩm quyền đăng ký và quản lý hộ khẩu (công an huyện) xóa tên trong Sổ hộ khẩu gia đình là phù hợp với quy định pháp luật tại thời điểm đó.

Luật Cư trú năm 2006 quy định công dân có quyền tự do cư trú. Vì vậy, nếu con gái chị không thuộc một trong các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú thì có thể liên hệ công an xã để làm thủ tục đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật.

Các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú là:

1. Người bị cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú.

2. Người bị tòa án áp dụng hình phạt cấm cư trú; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án, được hưởng án treo hoặc đang được hoãn, tạm đình chỉ thi hành án phạt tù; người đang bị quản chế.

3. Người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục nhưng đang được hoãn chấp hành hoặc tạm đình chỉ thi hành.

Luật sư Đinh Thị Phúc
Công ty luật Song Thanh - Hà Nội

Nguồn: vnexpress.net